1. Không hỏi quá khứ
Mùa đông lạnh giá đến, hoa cỏ cây cối trong vườn đều tàn lụi, tiểu đồ đệ nhìn lá rụng mà trong lòng cảm thấy buồn bã.
Nhìn thấy Sư phụ đang ngồi thiền tụng kinh gõ mõ, tiểu đồ đệ không khỏi sinh lòng cảm thán, thốt nhiên hỏi: “Sư phụ, ngài không thích những bông hoa này sao? Tại sao sư phụ không cảm thấy buồn?”
Sư phụ nói: “Hôm qua sư phụ đã buồn vì nó rồi”.
Vào mùa xuân, trăm hoa đua nở, mảnh vườn nhỏ lại trở nên đầy sức sống, tiểu đệ tử không khỏi hoan hỷ, nhún nhảy vui chơi trong vườn.
Lúc đó, vị sư phụ đang quét dọn trong sân bên cạnh, tiểu đệ tử lấy làm khó hiểu hỏi sư phụ: “Sư phụ, hoa thật đẹp! Người không thấy vui sao?”
Sư phụ mỉm cười nói: “Hôm qua sư phụ đã vui mừng thay cho chúng rồi”.
“Hôm qua chúng đua nhau tàn úa, hôm nay chúng lại đua nhau sinh trưởng phát triển”.
Đời người, chuyện tốt hay chuyện xấu, khi đã xảy ra rồi thì đều trở thành chuyện cũ, yêu hận tình thù đều biến thành mây khói.
Không nghĩ về quá khứ, không nghĩ về tương lai, sống thật ở hiện tại, tự do vui cười là cách sống tốt nhất.
Một người thực sự trưởng thành sẽ không để quá khứ chiếm lĩnh hiện tại, cũng không để ngày hôm qua chiếm cứ mất ngày hôm nay.
2. Không hỏi hiện tại
Nhà thư pháp nổi tiếng Vương Hi Chi có tài năng thiên phú, ông nổi tiếng ngay từ khi còn trẻ, nhưng bởi tính tình nông nổi nên khi mới mười lăm mười sáu tuổi rất khó có được sự đột phá mới.
Một ngày nọ, người cha dẫn ông ra sân sau và nói: “Nếu con dùng tất cả tám thùng nước trước mặt pha thành mực, thư pháp của con nhất định sẽ tiến bộ”.
Từ đó Vương Hi Chi liền hạ tâm xuống, không chấp vào thành tựu ở trước mắt và bắt đầu học thư pháp, cả ngày lẫn đêm dốc lòng luyện chữ.
Đến khi dùng hết tám thùng mực, Vương Hi Chi cũng đạt được thành tựu phi thường về thư pháp.
Cổ nhân có câu: “Bảo kiếm nhờ rèn cẩn thận mà thành, hoa mai đượm hương thơm do trải qua giá lạnh mà có được”.
Nếu dùng hết sức để làm điều đơn giản thì thành quả đạt được lại không đơn giản chút nào. Một việc bình thường làm đến hết mức thì sẽ đạt thành tựu phi thường.
Ngôi sao không hỏi người chạy đi, thời gian không phụ lòng người. Mỗi người chỉ cần chăm chỉ làm việc, phần còn lại đều có Thượng Thiên an bài.
Từ xưa đến nay, người thành tựu được nghiệp lớn chính là biết nắm chắc cuộc sống ở hiện tại.
3. Không hỏi tương lai
Ngày xưa, có một người nông dân chăn cừu và làm ruộng, sống cuộc đời tiêu diêu tự tại. Bỗng một hôm anh ta chợt nghĩ nếu trời sập thì phải làm sao bây giờ?
Nỗi buồn này giống như một lời nguyền quấn lấy anh suốt ngày đêm, khiến anh ta luôn sống trong cảm giác bất an.
Một người vốn dĩ đang sống hạnh phúc, nhưng cuối cùng lại vì ngày mai mà sợ hãi bất an, rồi sống phần đời còn lại trong lo lắng.
Tăng Quốc Phiên từng nói: “Vật lai thuận ứng, vị lai bất nghênh”, ý tứ là gặp chuyện thì nên thuận theo tự nhiên, không nên lo sợ vì những sự việc chưa xảy ra, nên làm tốt những việc trước mắt, chuyện đã xảy ra rồi thì hãy cứ để nó trôi qua.
Có câu: “Binh đến tướng chặn, nước đến đất ngăn”.
Ngày mai luôn là một ẩn số, không ai có thể đoán trước được, dũng cảm đối diện với nó mới là cách làm tốt nhất.
Tục ngữ nói: “Xe đến trước núi tất có đường, thuyền đến đầu cầu tự sẽ thẳng”.
Vạn sự vạn vật đều có cách giải quyết, không cần phải cảm thấy sợ hãi khi không biết tương lai sẽ xảy ra chuyện gì.
Chúng ta có thể lập kế hoạch cho ngày mai, nhưng không nên vì ngày mai mà lo lắng bất an.
Cuộc đời này cần học lấy 3 không hỏi: không hỏi quá khứ, bởi quá khứ đã qua không quay lại; không hỏi hiện tại, chỉ cần làm tốt những việc trước mắt là được; Không hỏi tương lai, bởi vì sự việc đang suy nghĩ trong tâm chưa chắc đã thành hiện thực.
Bản thân cần làm tốt mọi việc, sống hạnh phúc vui vẻ mỗi ngày, đó mới là cách sống tốt nhất của đời người vậy.
Theo Vision Times
San San biên dịch
- Log in to post comments