Hy vọng khi đọc xong bài viết này, mỗi bậc làm cha làm mẹ trong chúng ta, đều phải nhìn nhận lại xem, cách thức chúng ta nuôi dạy con đã đúng chưa.
Những phương pháp giáo dục con của các bậc cổ nhân đến nay vẫn còn nguyên giá trị, chúng ta cần phải nghiên cứu và học hỏi. Xin trích dẫn ra đây một số quan niệm dạy con được xem như là “khuôn vàng thước ngọc” cho mọi thời đại:
1. Lão Tử: chỉ cần theo nguyên tắc “vô vi” thì giáo dục không có chỗ nào là không tốt.
Trong “Đạo đức kinh” Lão Tử viết: “Vi vô vi, tắc vô bất trị” (Nếu không làm thì không cần trị). Vô vi ở đây chính là thuận theo tự nhiên, mọi việc đều phải thuận theo bản tính của tự nhiên, Lão Tử từng nói “Đạo pháp tự nhiên”, đạo là theo lẽ tự nhiên của trời đất, vũ trụ. Chỉ cần theo nguyên tắc của tự nhiên này thì mọi thứ ắt sẽ tốt đẹp, thuận lợi. Theo Lão Tử, con người bản tính ban đầu vốn là thiện, là đơn thuần, rồi theo sự phát triển của xã hội dần dần mất đi bản tính vốn có ban đầu trở nên gian trá, thâm trầm. Cho nên con người cần quay trở về bản tính ban đầu, tức là người trưởng thành quay về như lúc mới sinh ra, quay về bản tính đơn thuần của người lúc mới sinh ra.
Trong “Ứng đế vương” Trang Tử có viết: “Vua Nam Hải là Nhanh Nhẹn, vua Bắc Hải là Thình Lình, còn vua của Trung Ương là Hỗn Độn. Một hôm Nhanh Nhẹn và Thình Lình gặp nhau ở xứ của Hỗn Độn, Hỗn Độn lấy lễ tiếp đãi họ rất trọng hậu. Nhanh Nhẹn và Thình Lình muốn báo đáp Hỗn Độn nên bàn với nhau: “Con người đều có 7 lỗ (khiếu) dùng để nhìn nghe ăn và thở. Nhưng Hỗn Độn không có cái nào, chúng ta đục lỗ cho hắn đi”. Nói rồi mỗi ngày đục cho Hỗn Độn một lỗ, đến ngày thứ 7 thì Hỗn Độn chết”. Điều này nói lên ý nghĩa rằng, mỗi sự vật đều có đặc tính riêng của nó, nếu cứ ép buộc giống nhau thì ngược lại sẽ không tốt. Bản chất của mỗi người là điều quan trọng nhất, không cần phải đi thay đổi bản chất đó.
Cho nên đối với vấn đề giáo dục ở gia đình, cha mẹ không thể lấy một tiêu chuẩn để đánh giá đứa trẻ là tốt hay kém, ở mặt này có thể là kém, nhưng ở những phương diện khác lại là ưu tú, xuất sắc. Cũng tựa như Vua Thang nhà Thương, Vũ Vương, tuy cũng là Thánh chủ nhưng lại không thể thông thạo việc bơi lội như người Việt, chỉ có thể dùng thuyền nhỏ để du ngoạn trên vùng sông nước; Y Doãn tuy là tướng giỏi, nhưng lại không có khả năng thuần ngựa như người Hồ có thể chế ngự được ngựa mạnh, thuần phục ngựa hoang; Khổng Tử, Mặc Tử mặc dù học vấn uyên bác nhưng không thể nào leo trèo giỏi như người ở vùng rừng núi chuyên đi lại trên những con đường núi rừng gập ghềnh khó đi. Thánh nhân còn không thể có đầy đủ các loại tài năng, chớ nói chi đến người thường.
Cha mẹ phải biết lấy thái độ khoan dung để đối đãi với sự trưởng thành của con cái, nghĩa là khi giáo dục con cái thì phương pháp tốt nhất là nên “thuận theo quy luật của tự nhiên”, “Vạn vật xung quanh đều là theo tự nhiên mà phát triển”. Căn cứ vào đặc điểm phát triển tâm sinh lý của con trẻ mà có cách giáo dục con cho phù hợp, để cho con trẻ trưởng thành một cách tự nhiên nhất có thể, tránh xảy ra tình trạng ép buộc trưởng thành quá sớm hay quá muộn. “Bất cảm vi” tuyệt đối không phải là thờ ơ không để ý, bỏ mặc, không phải là thích làm gì thì làm nấy, dung túng con trẻ không chừng mực, không quản. Mà là không nên bừa bãi áp dụng, mà phải xem xét sự hứng thú phát ra từ con cái để cha mẹ có sự điều chỉnh, làm sao cho gần với tự nhiên, giúp con phát triển khả năng về những phương diện mà con yêu thích và có năng lực, có như vậy mới có thể đạt được sự thành công trong việc nuôi dạy con cái.
2. Phương pháp dạy con của “nhất đại thông nho” Kỷ Hiểu Lam: Áp dụng “Tám nguyên tắc”
Kỷ Hiểu Lam, văn nhân nổi tiếng thời nhà Thanh, người quanh năm suốt tháng ở bên ngoài bận rộn với trách nhiệm làm quan, khó có thể đảm đương được trách nhiệm giáo dục, dạy dỗ các con. Biết rõ tình huống cha thường hay cưng chiều con gái, cho nên viết thư cho vợ nói rõ nên như thế nào để dạy dỗ con cái. Trong thư, ông có nêu “4 cấm”, và “4 nên” yêu cầu đối với con cái gồm:
* 4 thứ cấm
1 – Cấm dậy muộn
Theo như Tăng Quốc Phiên, dậy muộn là đức tính xấu có thể làm hỏng gia phong. Gia tộc Tăng Quốc Phiên đến cả trăm năm sau vẫn xuất hiện nhiều nhân tài là bởi vì gia tộc này luôn lấy quan điểm “Lấy việc không dậy muộn làm gốc để trị gia” của ông để răn dạy con cháu. “Sáng sớm là bí quyết dưỡng sinh bậc nhất”, hoặc “sáng sớm tinh thần phấn chấn”, Tăng Quốc Phiên viết thư gửi cho em trai trong đó có đoạn viết: “Nếu muốn xóa đi chữ “lười biếng” thì đệ nhất thiết phải rời giường khi sáng sớm”. Chúng ta thường nói muốn tu thân cần tự ép mình, trước tiên phải lấy chăm chỉ làm bắt đầu, lấy chăm chỉ để tiêu diệt lười biếng, lấy chăm chỉ để diệt cái nhàn nhã tầm thường, siêng năng, chăm chỉ thì trong thiên hạ không có việc gì là khó cả.
2 – Cấm lười biếng
“Người tầm thường trong thiên hạ xưa nay, đều vì một chữ lười biếng mà thất bại, người nhân tài trong thiên hạ xưa nay, cũng vì một chữ kiêu ngạo mà thất bại”. Đại đa số những người suốt đời đều tầm thường chẳng có gì nổi bật đều chỉ vì lười biếng. Mai Lan Phương lúc ban đầu cũng là người có tư chất bình thường, nhưng ông không cam lòng như vậy, nên đã chăm chỉ đọc sách, khổ luyện học hành, cuối cùng trở thành người thầy vĩ đại.
3 – Cấm xa hoa lãng phí
“Xem trong lịch sử các đời tiên hiền trước đây, thành công do cần kiệm, thất bại do xa hoa”. Lịch sử như dòng sông mênh mông cuồn cuộn, chảy miết không ngừng qua bao thời gian, người xưa giàu có, phú quý đều vì lấy “cần kiệm” làm đạo lý mà nên; mà một gia tộc giàu có dẫn đến sa sút thì nhất định là có liên quan đến chữ “xa hoa”.
Trong lịch sử, bởi vì xa xỉ, lãng phí vô độ mà dẫn đến diệt vong thì không thiếu các ví dụ điển hình: Trụ Vương nhà Thương rượu thịt ê hề, Hai nhà Tấn xa xỉ khoe giàu, Tùy Dương Đế nhà Tùy hám công to danh lớn, hậu Đường hưởng lạc xa xỉ, Bát Kỳ hậu Thanh sa đọa lãng phí… từng cái từng cái đều cho chúng ta thấy được rõ ràng.
Mà tiết kiệm chính là khắc tinh của xa xỉ. Gia Cát Lượng trong cuốn “Giới tử thư” có viết: “Lấy tĩnh để tu thân, lấy kiệm để dưỡng đức”, ý là lấy sự an tĩnh của nội tâm để dưỡng thể xác và tinh thần, lấy tác phong sống tiết kiệm để mà dưỡng phẩm đức. “Chu tử gia huấn” nói: “Một chén cháo, một chén cơm, cần biết làm ra được cũng không dễ; nửa sợi tơ, nửa sợi chỉ nên nhớ làm ra cũng khó khăn”. Đây là răn bảo những người không biết tiết kiệm phải biết quý trọng những đồ vật có được trong cuộc sống, bởi vì làm ra những thứ đó là không dễ dàng chút nào.
4 – Cấm kiêu ngạo
Tự kiêu thì chuốc tổn thất, khiêm nhường sẽ thu được lợi. Người một khi kiêu ngạo, thì sẽ mất đi động lực thăng tiến; một khi kiêu ngạo tất nhiên sẽ có thái độ đối xử với mọi người xung quanh như kiểu ở trên cao nhìn xuống, có thái độ sai khiến mọi người. Chưa từng có người nào mà vui vẻ hoặc tự nguyện kết thân với người tự cao tự đại, bởi lẽ kiêu căng ngạo mạn là một loại thái độ không tôn trọng người khác, cũng không được người khác tôn trọng, ủng hộ.
Nhà tư tưởng học Vương Dương Minh từng giáo dục con cái của mình rằng: “Con người thời nay mắc một loại bệnh rất nặng đó chính là kiêu ngạo. Ngàn tội trăm ác đều từ kiêu ngạo mà ra”.
Người một khi có tâm kiêu ngạo, tất nhiên sẽ coi thường những phương diện khác, thì tai họa và thất bại tất nhiên cũng sẽ kéo đến. Ngạo là tự rước lấy diệt vong, cho nên người xưa nói “kiêu công tất bại”.
* 4 thứ nên:
1 – Nên chăm chỉ đọc sách
Tăng Quốc Phiên viết trong thư giáo dục con cái rằng: “Khí chất của con người là do trời sinh, rất khó để cải biến, chỉ có đọc sách mới có thể biến đổi khí chất này. Người xưa tinh thông phép xem tướng, cũng nói rằng đọc sách có thể cải biến cốt tướng con người”. Càng quan trọng hơn là khi chăm chỉ đọc sách thì có những vấn đề không thể giải thích được cũng có thể có căn cứ mà hiểu được, có những việc không biết giải quyết thế nào cũng đều có phương pháp mà làm, khiến cho kẻ ngu muội cũng trở nên thông tuệ, làm cho đầu óc, tư tưởng cổ hủ cũng trở nên sáng suốt, minh mẫn.
2 – Nên kính trọng thầy giáo
“Một ngày làm thầy, suốt đời coi như cha”. So sánh với ngày nay, thời cổ đại quan hệ thầy trò hiển nhiên là càng vượt trội hơn hẳn. Ngày xưa, mỗi khi cha mẹ đưa con đến trường để ghi danh đi học, thì không chỉ phải hướng thầy giáo làm lễ dập đầu bái lạy, mà còn phải hướng bài vị Khổng Tử hành lễ dập đầu bái lạy. Đạo lý tôn sư đối với người xưa là mười phần quan trọng, theo sách “Lã thị xuân thu – Tôn sư” có nói: “Người sinh ra cần phải nuôi dưỡng, chết cần phải cung kính thờ cúng, thì việc tôn kính thầy cũng là đạo lý như vậy”.
3 – Nên yêu thương mọi người
Sách “Luận ngữ” có viết: “Phiếm ái chúng nhi thân nhân”, ý là dạy chúng ta luôn phải có tấm lòng bác ái, yêu thương người khác như thân mình, đồng thời cũng nên gần gũi thân cận với người có nhân đức. Giáo dục, là trước hết cần phải học làm người, lập đức, bồi dưỡng tính tình; sau đó mới học tập tri thức kỹ năng, bồi dưỡng năng lực.
4 – Nên ăn uống chừng mực
Trong “Đệ tử quy” nói rằng: “Đối với ăn uống chớ kén chọn. Ăn vừa đủ, chớ quá no”. Trẻ nhỏ trải qua cuộc sống xác thực như thế nào, chất lượng của sinh mệnh nó như thế nào, đều có liên quan chặt chẽ, mật thiết với trạng thái sinh hoạt hàng ngày. Tham ăn uống vô độ, thức khuya, dậy muộn, tất cả đều là biểu hiện cho cuộc sống không có quy luật. Lão Tử nói: “Thánh nhân cầu no bụng, không cầu vui mắt”, ăn uống là vì để no bụng chứ không phải vì để thỏa mãn con mắt. Những bệnh tật trong xã hội hiện đại ngày nay như ung thư, tiểu đường, gout, v.v. đều có nguyên nhân sâu xa từ việc ăn uống vô độ khiến cho cơ thể dư dả dinh dưỡng, mất cân bằng mà sinh ra, cho nên việc ăn uống của con trẻ nhất định phải chặt chẽ và đúng mực.
3. Dạy con với phương châm “7 không trách”
“Thái bình kinh – Bí quyết của cha mẹ” có nói: “Con người từ khi mới sinh ra cho đến khi tuổi già, có con có cháu là lẽ tự nhiên, cũng như người làm cha mẹ thật không dễ dàng”. Người làm cha làm mẹ cần phải nuôi dạy con cái của mình cho tốt, ngày thường giáo dục con cái cũng cần phải chú trọng phương pháp đúng đắn, có như vậy mới đạt được thành công như ý. Chính vì vậy, mỗi bậc làm cha mẹ như chúng ta cần phải tìm hiểu và thực hiện phương pháp “7 loại không trách” này:
1 – Không trách mắng khi có người khác
“Trẻ nhỏ hiếu động, chưa biết trách nhiệm”, không nên trước mặt nhiều người mà trách mắng con trẻ. Đôi khi trước mặt người khác chúng ta thường hay mắng mỏ, hoặc đem những chuyện đùa nghịch, những việc không hay của con ra kể cho người khác nghe rồi cười trêu con, như vậy sẽ khiến cho con cảm thấy xấu hổ, không những sẽ gây tổn thương tính tự tôn của con, mà còn khiến con cảm thấy mặc cảm, hoặc sẽ quen với hành vi đó, vô hình trung sẽ càng thực hiện hành vi sai lầm này.
2 – Không trách mắng khi con biết hối hận
Khi con trẻ hiểu được hành vi của mình là sai trái, có tâm lý áy náy và hối hận về hành vi đó thì cha mẹ không nên tiếp tục chỉ trích, hay trách mắng con, nếu không sẽ gây nên phản tác dụng, làm cho đứa trẻ có tâm lý mặc cảm nặng nề, hoặc về lâu dài sẽ có tâm lý trốn tránh, nói dối, càng bất lợi cho sự phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và tâm lý của trẻ.
3 – Không trách mắng con vào ban đêm
Vào buổi tối, nhất là thời gian trước khi đi ngủ không nên trách mắng con. Nếu trước khi đi ngủ, mà bị cha mẹ trách mắng, con trẻ sẽ mang tâm lý nặng nề đi vào giấc ngủ, gây khó ngủ hoặc sẽ dễ dàng gặp ác mộng, ảnh hưởng sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.
4 – Không trách mắng khi đang ăn uống
Xã hội hiện đại, cuộc sống càng ngày càng vội vàng, cho nên thời gian ở chung với nhau giữa cha mẹ và con cái càng ngày càng ít. Bữa tối mới là lúc mọi người trong nhà có cơ hội ngồi chung với nhau đầy đủ, vì vậy nhiều bậc phụ huynh liền “tranh thủ” mà giáo huấn con cái vào lúc này. Như vậy không chỉ ảnh hưởng đến việc ăn uống, mà tâm lý của con cũng sa sút, hơn nữa trẻ vừa ăn vừa khóc dễ gây hóc thức ăn rất nguy hiểm. Đồng thời cũng phá hỏng không khí quây quần, ấm áp trong gia đình, lâu dần khiến cho con trẻ cảm giác ăn cơm cùng với cha mẹ là một việc rất thống khổ, trẻ bị áp lực về tâm lý, càng có khoảng cách đối với cha mẹ.
5 – Không trách mắng khi con cao hứng
Khi con có tâm trạng cao hứng thì cha mẹ không nên chỉ trích hoặc trách mắng con lúc ấy. Bởi vì khi đang cao hứng, các mạch máu cũng như dây thần kinh đang vận động nhanh mạnh, thông suốt và rất nhạy cảm, nếu mà đột ngột ngừng lại sẽ gây tổn thương rất lớn cho cơ thể. Về mặt tâm lý thì khi đứa trẻ đang rất cao hứng, đang rất hứng khởi, đột nhiên bị mắng, trở nên chưng hửng, tâm trạng thay đổi đột ngột, ủ rũ tinh thần.
6 – Không trách mắng khi con đang buồn lo
Không ít bậc cha mẹ thường hay mắng mỏ, tức giận khi con trẻ khóc, kỳ thực, khóc là hành động biểu hiện trạng thái cảm xúc, trạng thái không khỏe hoặc tâm lý không vui của trẻ. Nếu cha mẹ chỉ trích khi đứa trẻ đang biểu hiện cảm xúc đó, đứa trẻ sẽ thấy hụt hẫng, cảm xúc tụt dốc, lâu dần trở nên tự ti. Cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân trẻ khóc, để có thái độ thích hợp. Nếu như trẻ khóc chỉ vì té ngã thì chỉ cần ôm và kiên nhẫn nghe con khóc, đợi khi con khóc đủ và trở lại trạng thái bình thường thì hãy nói cho con biết vì sao bị ngã và dặn con cẩn thận hơn là được. Như vậy cũng có thể tăng thêm kiến thức và tính tự tin cho trẻ.
7 – Không trách mắng khi con đau ốm
Khi cơ thể sinh bệnh cũng là khi yếu ớt nhất, tâm lý cũng nhạy cảm và giàu cảm xúc nhất, lúc này đứa trẻ cần sự quan tâm và yêu thương của cha mẹ nhiều nhất, tình cảm ấm áp của cha mẹ là điều quan trọng và có tác dụng hơn cả thuốc thang. Chính vì vậy, lúc này không nên chỉ trích hay trách mắng con, sẽ gây nên tình trạng tâm lý nặng nề và thất vọng ở trẻ.
Hy vọng khi đọc xong bài viết này, mỗi bậc làm cha làm mẹ trong chúng ta, đều phải nhìn nhận lại xem, cách thức chúng ta nuôi dạy con đã đúng chưa. Mỗi đứa trẻ đều như một trang giấy trắng, tinh khiết, trang giấy ấy sẽ vẽ nên bức tranh như thế nào đều tùy thuộc vào thái độ cư xử của người lớn chúng ta. Để cho con trẻ được trưởng thành trong một môi trường tự nhiên, đầy sắc màu và an ổn, thì không thể thiếu được sự yêu thương, nghiêm khắc của cha mẹ. Hãy là những người cha, người mẹ thông thái, đầy yêu thương trong mắt của con trẻ nhé.
(Ảnh minh hoạ: Phim hoạt hình “Tam tự kinh” – Chánh Kiến Net)
Theo Sound of Hope
Minh Phúc biên dịch
- Log in to post comments